Đối với những người bị ung thư vú giai đoạn đầu, bác sĩ phẫu thuật có thể chọn lựa phẫu thuật đoạn nhũ (cắt bỏ vú) hoặc bảo tồn vú tùy thuộc rất nhiều yếu tố liên quan bệnh lý hiện tại và mong muốn bệnh nhân, nhưng cả hai phẫu thuật đều có hiệu quả như nhau trong việc ngăn ngừa ung thư vú tái phát. Vậy phẫu thuật đoạn nhũ là gì? Bác sĩ sẽ chỉ định như thế nào? Quy trình và lưu ý nào quan trọng? Bài viết sau sẽ chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này!
Table of Contents
Phẫu thuật đoạn nhũ là gì?
Phẫu thuật đoạn nhũ là phẫu thuật loại bỏ tất cả các mô vú khỏi vú như một cách để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư vú mà không tái tạo vú.
Hiện các kỹ thuật đoạn nhũ mới hơn có thể bảo tồn da vú, núm vú gọi là phẫu thuật đoạn nhũ tiết kiệm da và cho phép hình dáng vú tự nhiên hơn sau phẫu thuật để tái tạo vú ngay (tái tạo vú tức thì) hoặc tái tạo vú sau khi điều trị ung thư vú ổn định (tái tạo trì hoãn).
Tại sao cần phẫu thuật đoạn nhũ?
Phẫu thuật đoạn nhũ được sử dụng để loại bỏ tất cả các mô vú nếu bạn bị ung thư vú hoặc có nguy cơ rất cao phát triển bệnh này, phẫu thuật đoạn nhũ 1 bên hoặc cả hai bên vú.
Phẫu thuật đoạn nhũ để điều trị ung thư vú, bao gồm:
- Ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS), hoặc ung thư vú không xâm lấn.
- Ung thư vú giai đoạn I và II (giai đoạn đầu).
- Ung thư vú giai đoạn III (tiến triển tại chỗ) – sau hóa trị.
- Ung thư vú viêm – sau hóa trị.
- Bệnh Paget vú lan rộng.
- Ung thư vú tái phát tại chỗ sau bảo tồn vú trước đó.
Nhược điểm của phẫu thuật đoạn nhũ
Nguy cơ của phẫu thuật đoạn nhũ:
- Chảy máu.
- Nhiễm trùng.
- Đau.
- Có thể phù bạch huyết ở cánh tay nếu bạn có nạo hạch nách.
- Mô sẹo cứng tại vị trí phẫu thuật.
- Đau vai và cứng khớp vai.
- Tê, đặc biệt là dưới cánh tay.
- Tụ máu, tụ dịch sau mổ.
Đối tượng được chỉ định phẫu thuật đoạn nhũ
Bác sĩ của bạn có thể đề nghị phẫu thuật đoạn nhũ thay vì cắt rộng bướu cộng với xạ trị nếu:
- Bạn có hai hoặc nhiều khối u ở các góc tu khác nhau của vú.
- Bạn có tổn thương vi vôi hóa ác tính lan rộng trong vú.
- Trước đây bạn đã được xạ trị vùng vú và ung thư vú đã tái phát ở vú.
- Bạn đang mang thai và bức xạ tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với thai nhi của bạn.
- Bạn đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, nhưng ung thư vẫn còn ở các rìa phẫu thuật và nguy cơ tái phát sớm trong vú.
- Bạn mang đột biến gen khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thứ hai ở vú.
- Bạn có một khối u lớn so với kích thước tổng thể của vú. Bạn có thể không còn đủ mô khỏe mạnh sau khi cắt bỏ khối u để đạt được kết quả thẩm mỹ chấp nhận được.
- Bạn mắc bệnh mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì hoặc lupus, và có thể không chịu được tác dụng phụ của bức xạ lên da nên không thể xạ trị sau mổ.
Đoạn nhũ phòng ngừa ung thư vú:
Phẫu thuật đoạn nhũ phòng ngừa được dành riêng cho những người có nguy cơ ung thư vú rất cao, được xác định bởi tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc sự hiện diện của một số đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Thời điểm phẫu thuật đoạn nhũ?
Thời điểm phẫu thuật đoạn nhũ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật đoạn nhũ khi [1]:
- Phẫu thuật ngay sau chẩn đoán nếu giai đoạn bệnh sớm và nguy cơ bệnh thấp.
- Phẫu thuật sau hóa trị tiền phẫu nếu hóa trị trước tốt hơn cho bệnh của bạn.
Quy trình phẫu thuật đoạn nhũ
1. Chuẩn bị trước khi mổ đoạn nhũ
Bạn chuẩn bị như thế nào?
Gặp bác sĩ phẫu thuật của bạn để thảo luận về các lựa chọn của bạn, bác sĩ phẫu thuật giúp bạn lập kế hoạch điều trị và giải thích tất cả các bước bạn sẽ trải qua bao gồm việc phải phẫu thuật trên bướu, trên hạch, chi tiết tạo hình nếu có, sau mổ có khả năng hóa trị hay điều trị sinh học, việc xạ trị, và điều trị nội tiết,… Tất cả dựa vào kết quả trước mổ và một phần sau mổ. Đó gọi là hội chẩn đa chuyên khoa.
Gặp bác sĩ gây mê để thảo luận về ca phẫu thuật của mình, xem xét bệnh sử và xác định kế hoạch gây mê cho bạn.
Đây là thời điểm tốt để đặt câu hỏi và đảm bảo rằng bạn hiểu quy trình, bao gồm cả lý do và nguy cơ của phẫu thuật.
Một vấn đề cần thảo luận là bạn có tái tạo vú hay không và khi nào. Tái tạo vú có thể bao gồm 1 trong 3 cách:
- Sử dụng túi ngực nước muối hoặc silicone.
- Sử dụng mô của chính cơ thể bạn (tái tạo mô tự thân ở lưng hoặc ở bụng).
- Sử dụng kết hợp tái tạo mô và túi ngực.
Chuẩn bị cho ca phẫu thuật của bạn
- Hãy cho bác sĩ của bạn biết các loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung nào bạn đang dùng. Một số chất có thể ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật.
- Ngừng dùng thuốc có thể làm loãng máu bao gồm aspirin, ibuprofen, các loại thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu như warfarin.
- Bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể việc ngưng ăn uống trước khi mổ.
- Thông thường dự kiến sẽ ở lại bệnh viện 1 ngày sau mổ nếu Đoạn nhũ và 3 ngày nếu có tái tạo tức thì.
- Mang theo vật dụng cá nhân cần thiết cho các ngày nằm viện, bạn có thể tự sinh hoạt và không cần trợ giúp.
2. Thực hiện phẫu thuật đoạn nhũ
- Phẫu thuật đoạn nhũ là một thuật ngữ chung được sử dụng cho một số kỹ thuật cắt bỏ một hoặc cả hai vú.
- Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể lấy bỏ các hạch bạch huyết vùng nách bên mổ để xác định xem ung thư đã lan rộng hay chưa, gọi là sinh thiết hạch gác cửa. Nếu có hạch di căn thì bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận về các lựa chọn hoặc vét hạch nách hoặc xạ trị vào nách của bạn.
- Nếu có hạch nách di căn ngay từ đầu tiên thì có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn hoá trị trước sau đó sẽ phải phẫu thuật trên vú và hạch nách. Một số trường hợp vét hạch nách cùng lúc đoạn nhũ.
- Các loại phẫu thuật nào bác sĩ chọn cho bạn phải được thảo luận và đánh giá bệnh lý kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Đoạn nhũ toàn bộ bao gồm việc cắt bỏ toàn bộ mô vú, quầng vú và núm vú.
Đoạn nhũ tiết kiệm da gồm loại bỏ tất cả các mô vú, núm vú và quầng vú, chừa da vú nhiều để tái tạo vú tức thì.
Đoạn nhũ chừa quầng vú núm vú gồm loại bỏ tất cả các mô vú, chừa núm vú và quầng vú, chừa da vú nhiều để tái tạo vú tức thì.
3. Sau phẫu thuật đoạn nhũ
- Được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi huyết áp, mạch và nhịp thở của bạn.
- Băng trên vết mổ và băng thun thành ngực.
- Cảm thấy đau, tê và cảm giác như kim châm ở vùng dưới cánh tay của bạn
- Nhận hướng dẫn về cách tự chăm sóc bản thân tại nhà, bao gồm chăm sóc vết mổ và ống dẫn lưu, nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng và hiểu các hạn chế hoạt động.
- Trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn về thời điểm tiếp tục mặc áo ngực và ngực giả sau đoạn nhũ.
- Được kê toa thuốc giảm đau và có thể là thuốc kháng sinh.
Chăm sóc sau phẫu thuật đoạn nhũ
Nếu bạn có tái tạo vú sau đoạn nhũ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc riêng theo phương pháp tái tạo.
Cần giữ cho khu vực phẫu thuật sạch sẽ, khô ráo. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tắm cụ thể cho người bệnh, cách thay băng ướt bằng khăn khô, sạch.
Uống thuốc giảm đau theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu người bệnh đã được cắt bỏ hạch bạch huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện một số bài tập nhất định để làm mềm khu vực vai, cánh tay, ngừa sưng tấy. Tuy nhiên, sau phẫu thuật không nên tập luyện quá sức để tránh tổn thương.
Biến chứng sau khi mổ đoạn nhũ
Nếu người bệnh không chăm sóc vết thương cẩn thận sẽ dễ gây nhiều biến chứng sau khi mổ đoạn nhũ như [2]:
- Vết thương nhiễm trùng (đỏ, đau, sưng lên hoặc chảy dịch).
- Cánh tay, bàn tay bị sưng, đau do tích tụ chất lỏng (phù bạch huyết).
- Vết thương chảy máu.
Nếu người bệnh có triệu chứng bất thường sau phẫu thuật nên đến bác sĩ tái khám để kiểm tra vết mổ, giúp quá trình lành vết thương tốt hơn, tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe.
Các thắc mắc thường gặp
1. Phẫu thuật đoạn nhũ có nguy hiểm không? Có gặp rủi ro không?
Như các cuộc phẫu thuật khác, phẫu thuật đoạn nhũ cũng có những rủi ro bao gồm [3]:
- Dễ chảy máu.
- Nhiễm trùng.
- Đau.
- Sưng (phù bạch huyết) ở cánh tay nếu bạn bị bóc tách hạch nách.
- Để lại mô sẹo cứng tại vị trí phẫu thuật.
- Đau vai, cứng khớp.
- Tê (đặc biệt ở dưới cánh tay do loại bỏ hạch bạch huyết).
- Tích tụ máu ở vị trí phẫu thuật.
2. Phẫu thuật đoạn nhũ mang lại kết quả thế nào?
- Kết quả giải phẫu bệnh của bạn sẽ có trong vòng một hoặc hai tuần sau mổ. Tại lần tái khám của bạn, bác sĩ của bạn có thể giải thích báo cáo.
- Nếu bạn có chỉ định điều trị hỗ trợ tiếp như hoá trị, sinh học, xạ trị,… thì bác sĩ phẫu thuật sẽ giới thiệu bạn đến các chuyên khoa liên quan như dự kiến trước mổ.
- Nếu có chỉ định hóa trị thì hoá trị trước xạ trị.




3. Phẫu thuật đoạn nhũ có phải nằm viện không?
Có. Sau thủ thuật, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức theo dõi liên tục. Quá trình phục hồi phụ thuộc vào loại thủ thuật, loại gây mê khác nhau. Khi huyết áp, mạch, nhịp thở ổn định, người bệnh tỉnh táo sẽ được đưa đến phòng bệnh nội trú.
Người bệnh sẽ ở lại bệnh viện từ 1 – 3 ngày sau khi cắt bỏ vú. Nếu người bệnh tái tạo vú sẽ phải ở lại bệnh viện trong tối đa một tuần tùy thuộc vào tình trạng hồi phục sức khỏe. [4]
Bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị hoặc hóa trị liệu sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.
4. Phẫu thuật đoạn nhũ có phải kiêng gì không?
Hoạt động
- Tránh hoạt động gắng sức, khuân vác nặng, tập thể dục mạnh 4-8 tuần, tùy teo loại tái tạo mà bác sĩ hướng dẫn chi tiết.
- Đi bộ bình thường.
- Không làm việc nhà hoặc lái xe cho đến khi bác sĩ kiểm tra tình trạng vết mổ đã phục hồi.
- Sau khi nạo hạch nách, tránh vận động cánh tay, không tập thể dục cho đến lần đầu tái khám sau phẫu thuật.
- Người bệnh có thể thực hiện các bài tập để lấy lại cử động, sự linh hoạt bằng các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Nếu sức khỏe tổng thể của người bệnh hồi phục tốt thì có thể trở lại làm việc. Đa phần người bệnh sẽ trở lại làm việc trong vòng 3 – 6 tuần.
Ăn kiêng
- Ăn nhiều trái cây, rau, thực phẩm ít chất béo. Người bệnh nên hỏi bác sĩ để có chế độ ăn uống lành mạnh.
5. Phẫu thuật đoạn nhũ xong có bị tái phát không?
Có. Phẫu thuật đoạn nhũ xong vẫn có bị tái phát. Phẫu thuật đoạn nhũ giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú từ 90% trở lên, nhưng không đảm bảo người bệnh sẽ không bị ung thư vú vì không thể loại bỏ hết các tế bào vú. Các tế bào vú còn sót lại vẫn có thể tiếp tục phát triển thành ung thư.
6. Phẫu thuật đoạn nhũ bao nhiêu tiền?
Tinh Vệ TP.HCM là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Việt Nam có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, cùng các chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm giúp lập kế hoạch điều trị toàn diện, tăng hiệu quả điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả cho nhiều người bệnh.
Chuyên Khoa Ngoại Vú – Tinh Vệ TP.HCM có thể thực hiện được các kỹ thuật phẫu thuật đoạn nhũ để giúp người bệnh cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, khoa Ngoại Vú còn áp dụng kỹ thuật cao như tái tạo vú bằng mô tự thân nên người bệnh có thể an tâm khi đến khám, phẫu thuật tại đây.
Hiện nay, tùy vào tình trạng bệnh mà mỗi người bệnh sẽ có chi phí phẫu thuật đoạn nhũ khác nhau. Mức chi phí sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: phẫu thuật đoạn nhũ loại nào, có tái tạo vú hay không, tái tạo một hay hai bên, có tái thực hiện thêm các quy trình bổ sung khác hay không, chính sách hỗ trợ của bảo hiểm chi trả. Vì vậy, người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ trước khi phẫu thuật để chủ động tài chính.
Phẫu thuật đoạn nhũ là một phần trong quy trình điều trị ung thư vú cùng với các phương pháp khác như hoá trị, sinh học, xạ trị, nội tiết, tạo hình thẩm mỹ, tâm lý liệu pháp và phục hồi chức năng.
Điều quan trọng nhất là bạn và gia đình cùng với bác sĩ phẫu thuật đánh giá chẩn đoán bệnh ung thư vú chuẩn mực, sau đó bác sĩ lập kế hoạch điều trị cho bạn chi tiết và chính xác trước khi bạn quyết định. Bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị tiếp theo các chuyên khoa khác nếu có một cách khoa học chính xác trên bệnh lý của bạn.