Vi khuẩn Chlamydia trachomatis là nguyên nhân gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục và liên quan đến các bệnh về mắt. Tại Hoa Kỳ, nhiễm trùng do vi khuẩn Chlamydia trachomatis được báo cáo phổ biến nhất. Vậy vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Table of Contents
Vi khuẩn chlamydia trachomatis là gì?
Chlamydia trachomatis là một loại vi khuẩn Gram âm, hình trứng, không di động. Đây là một trong 4 loài chi Chlamydia, thuộc họ vi khuẩn Chlamydiaceae. Vi khuẩn Chlamydia trachomatis ký sinh nội bào và không hình thành bào tử. (1)
Tuy nhiên, khi giải phóng khỏi tế bào chủ Chlamydia trachomatis có thể biến đổi từ thể lưới hoạt động trao đổi chất (RB) thành thể sơ cấp không hoạt động về mặt trao đổi chất (EB) và biểu hiện các kháng nguyên khác nhau trong vòng đời.
Triệu chứng nhiễm Chlamydia trachomatis rất giống với nhiễm trùng lậu, chẳng hạn như viêm niệu đạo. Nhiều người nhiễm bệnh (cả nam và nữ) không có bất kỳ triệu chứng nào và không biết về việc mình nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, Chlamydia trachomatis là tác nhân chủ yếu gây đau mắt hột. Trên thế giới có 84 triệu người nhiễm Chlamydia trachomatis ở mắt và 8 triệu người trong số họ bị mù do bệnh đau mắt hột.
Chlamydia trachomatis được xác định có 18 tuýp huyết thanh và phân loại thành 3 biến thể như sau:
- Các tuýp huyết thanh đầu tiên bao gồm Ab, B, Ba hoặc C lây nhiễm trên mắt và gây ra bệnh đau mắt hột có thể dẫn đến mù lòa.
- Biến thể thứ 2 từ D đến K gây viêm niệu đạo, mang thai ngoài tử cung, bệnh viêm vùng chậu và viêm phổi, viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh.
- Biến thể thứ 3 gồm L1, L2, L3 dẫn đến bệnh u hạt bạch huyết hoa liễu.

Vi khuẩn chlamydia trachomatis gây bệnh gì?
Vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra bệnh Chlamydia, một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Trên thế giới, đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Và Chlamydia trachomatis gây nhiễm trùng mắt gọi là “đau mắt hột”, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. (2)
Chlamydia trachomatis dẫn đến nhiều bệnh ở đường tiết niệu sinh dục bao gồm cổ tử cung, bệnh viêm vùng chậu, viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt và u hạt bạch huyết hoa liễu.
Ngoài ra, Chlamydia trachomatis còn gây ra các bệnh khác như viêm kết mạc, viêm quanh gan, viêm họng, viêm khớp phản ứng và viêm trực tràng. Dưới đây là các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến liên quan đến nhiễm trùng Chlamydia trachomatis.
- Viêm cổ tử cung: Khoảng 70% phụ nữ sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như tiết dịch âm đạo, chảy máu, đau bụng và tiểu khó. Chỉ một số ít phụ nữ có biểu hiện tiết dịch nhầy, chảy máu nội mạc tử cung, chảy máu khi sau giao hợp và chảy máu giữa kỳ kinh.
- Bệnh viêm vùng chậu: Xảy ra khi Chlamydia trachomatis xâm nhập vào đường sinh sản. Thông thường, bệnh nhân sẽ đau bụng, đau vùng chậu, triệu chứng giống viêm cổ tử cung hoặc không có dấu hiệu. Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh, đau thắt lưng, đau khi giao hợp, tiểu khó hoặc chảy máu sau giao hợp.
- Viêm niệu đạo: Bệnh thường gặp nhất ở nam giới, dễ nhầm lẫn với viêm niệu đạo do lậu cầu do có cần xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Viêm niệu đạo có biểu hiện khó tiểu và tiết dịch niệu đạo màu trắng, xám hoặc trong và chỉ có thể thấy rõ sau khi lột bao quy đầu hoặc vào buổi sáng. Phụ nữ bị viêm niệu đạo có triệu chứng tiểu nhiều hoặc khó tiểu và dễ nhầm lẫn nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Viêm quanh gan: Còn được gọi là hội chứng Fitz-Hugh-Curtis, xảy ra khi nhiễm chlamydia trachomatis dẫn đến viêm bao gan và các bề mặt phúc mạc lân cận. Hội chứng này thường thấy ở bệnh nhân mắc bệnh viêm vùng chậu và gây ra triệu chứng đau hạ sườn phải, đau tức ngực.
- Viêm mào tinh hoàn: Bệnh xảy ra ở nam giới, có biểu hiện toàn bộ hoặc đau một bên tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, sưng mào tinh hoàn và sốt.
- Viêm trực tràng: Nhiễm trùng trực tràng với Chlamydia trachomatis có thể không có triệu chứng nếu gây ra bởi các tuýp từ D đến K. Tuy nhiên, nếu tuýp L1-L3 là nguyên nhân, bệnh nhân sẽ đau trực tràng, sốt, khó chịu, tiết dịch và chảy máu khi giao hợp qua đường hậu môn.
- Viêm tuyến tiền liệt: Các triệu chứng bao gồm khó tiểu, rối loạn chức năng tiết niệu, đau vùng chậu và đau khi xuất tinh. Các chất tiết ra từ tuyến tiền liệt khi nhìn dưới kính hiển vi sẽ thấy bạch cầu tăng hơn so với bình thường.
- Viêm khớp phản ứng: Người nhiễm Chlamydia trachomatis có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng, còn được gọi là hội chứng Reiter. Bệnh thường ảnh hưởng đến khớp, mắt và niệu đạo, ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. (3)
- Viêm kết mạc: Dịch tiết sinh dục nhiễm Chlamydia trachomatis dính vào mắt có thể dẫn đến nhiễm trùng kết mạc. Các triệu chứng điển hình bao gồm viêm kết mạc không mủ (đốt ban đỏ trên biểu mô bề mặt). Kết mạc có thể có hình dạng giống như đá cuội. Viêm kết mạc là biểu hiện phổ biến nhất của nhiễm chlamydia ở trẻ sơ sinh.
- Viêm phổi: Mẹ nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis khi mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi từ 5% – 30%. Việc nhận biết bệnh trong khoảng 4 – 12 tuần tuổi với biểu hiện nghẹt mũi và ho, một số trẻ có dịch mũi đặc.
- Viêm họng: Mặc dù không được coi là nguyên nhân chính gây viêm họng, nhưng Chlamydia trachomatis được phát hiện trong hầu họng bằng các xét nghiệm khuếch đại axit nucleic.
- U hạt bạch huyết hoa liễu: Bệnh nhân sẽ xuất hiện các vết loét ở bộ phận sinh dục nhưng không đau. Các vết loét có kích thước nhỏ nhỏ, hình sao.

Dấu hiệu nhiễm vi khuẩn Chlamydia
Hầu hết các triệu chứng nhiễm vi khuẩn Chlamydia xuất hiện từ 1 – 3 tuần hoặc lâu hơn sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Và nam và nữ sẽ có các dấu hiệu nhiễm vi khuẩn chlamydia trachomatis khác nhau.
1. Ở nữ
Người bệnh dễ nhận thấy qua các triệu chứng sau:
- Dịch tiết màu trắng, vàng hoặc xám từ âm đạo có thể có mùi hôi.
- Mủ trong nước tiểu.
- Tiểu nhiều.
- Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu (khó tiểu).
- Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Giao hợp đau.
- Ngứa hoặc rát trong và xung quanh âm đạo.
- Đau âm ỉ ở phần dưới bụng.
2. Ở nam
Với nam giới, vi khuẩn Chlamydia lây nhiễm vào niệu đạo gây ra các triệu chứng như sau:
- Dịch nhầy hoặc trong chảy ra từ dương vật.
- Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Ngoài ra, vi khuẩn Chlamydia còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như:
- Hậu môn: Người bệnh có thể nhận thấy đau, khó chịu, chảy máu hoặc tiết dịch giống như chất nhầy từ mông.
- Họng: Các triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis thường gặp như sốt, ho, đau họng hoặc nhiễm bệnh mà không có triệu chứng.
- Mắt: Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng viêm kết mạc nếu vi khuẩn Chlamydia trachomatis xâm nhập vào mắt. Các triệu chứng bao gồm mẩn đỏ, đau và tiết dịch.
Các con đường lây nhiễm của vi khuẩn Chlamydia
1. Tình dục
Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su, hay quan hệ tình dục bằng miệng, qua đường hậu môn là nguyên nhân chính lây nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua việc tiếp xúc trực với bộ phận sinh dục. (4)
2. Mẹ sang con
Trẻ sơ sinh dễ nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis từ mẹ, trong quá trình sinh nở. Để phòng tránh, người mẹ hãy xét nghiệm chlamydia trước khi sinh hoặc lần khám thai đầu tiên.
Vi khuẩn chlamydia có nguy hiểm không?
Có. Khi nhiễm vi khuẩn chlamydia mà không điều trị kịp thời dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra như sau:
1. Tăng nguy cơ mắc các bệnh STI
Người nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis có nguy cơ cao mắc các bệnh lây qua đường tình khác, nhất là HIV. Vì vậy, khi đã quan hệ tình dục nên khám sức phụ khoa định kỳ nhằm sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
2. Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Bệnh xảy ra ở phụ nữ khi nhiễm bệnh Chlamydia không điều trị dẫn đến đau vùng chậu mãn tính và nguy cơ vô sinh. Bệnh viêm vùng chậu ngăn chặn các ống dẫn chứng dẫn đến mang thai ngoài tử cung, đe dọa tính mang thai nhi và có khả năng gây tử vong cho thai phụ.

3. Biến chứng khi mang thai
Nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis không được điều trị dễ sinh non và nguy cơ lây bệnh Chlamydia cho con. Trẻ sinh ra nhiễm Chlamydia mắc bệnh viêm phổi hoặc viêm kết mạc và dẫn đến mù lòa nếu không điều trị kịp thời. Do đó, phụ nữ khi mang thai nên đi xét nghiệm Chlamydia ngay lần khám thai đầu tiên.
4. Giảm khả năng sinh sản (vô sinh)
Ở nữ giới, nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis nếu không được điều trị sẽ gây tổn thương vĩnh viễn cho ống dẫn trứng, tử cung hoặc âm đạo và khó mang thai. Với nam giới, làm giảm chất lượng tinh trùng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Bài viết liên quan: Chlamydia có nguy hiểm không? 6 biến chứng nghiêm trọng
Cách chẩn đoán vi khuẩn Chlamydia
Để chẩn đoán vi khuẩn Chlamydia, các bác sĩ thường thực hiện các xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT): các bác sĩ lấy dịch trong âm đạo, niệu đạo hoặc nước tiểu rồi mang đến phòng xét nghiệm.
- Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA): Phát hiện kháng nguyên Chlamydia trachomatis bằng kháng thể đơn dòng. Độ nhạy của phương pháp này đạt khoảng 60% – 80% so với nuôi cấy. Độ đặc hiệu đạt đến 99%.
- Phương pháp miễn dịch gắn men (EIA): Tìm kháng thể Chlamydia trong máu người bệnh, đồng thời kích hoạt hệ thống miễn dịch. Độ nhạy đạt 60% – 80%, đặc hiệu 97% – 99%.
- Phản ứng chuỗi chuỗi PCR (Polymerase), LCR (Ligase chain reaction) và TMA: Là kỹ thuật có độ nhạy từ 70% – 100%, đặc hiệu đạt 99%. Bác sĩ sẽ lấy bệnh phẩm từ cổ tử cung, niệu đạo và nước tiểu.
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ rệt, nên các bác sĩ khuyến cáo những ai đã phát sinh quan hệ tình dục nên kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Đặc biệt phụ nữ quan hệ tình dục dưới 25 tuổi, thai phụ, có nhiều bạn tình, người từng mắc Chlamydia,… có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis cần xét nghiệm, sàng lọc để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Cách điều trị bệnh từ vi khuẩn Chlamydia trachomatis
Để điều trị bệnh từ vi khuẩn Chlamydia trachomatis các bác sĩ sẽ dùng kháng sinh trong khoảng 1 – 2 tuần. Các loại thuốc kháng sinh phổ biến, bao gồm:
- Doxycyclin: Sử dụng trong 7 ngày liên tục.
- Azithromycin: Được các bác sĩ khuyến cáo cho phụ nữ mang thai và dùng 1 liều duy nhất.
Không nên ngưng dùng thuốc chỉ vì các triệu chứng được giảm đi, vì nhiễm trùng Chlamydia trachomatis có thể tái phát. Bệnh nhân nên hỏi các bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da về cách theo dõi để chắc chắn rằng bệnh đã khỏi sau khi hết thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, để quá trình điều trị phát huy hiệu quả bệnh nhân cần tránh các hoạt động tình dục vì sẽ dễ tái nhiễm. Vì vậy người bệnh cần thực hiện các điều sau đây:
- Không quan hệ tình dục khi điều trị Chlamydia trachomatis.
- Nói với đối tác tình dục quan hệ trong 3 tháng gần nhất về việc bản thân nhiễm bệnh để họ điều trị kịp thời.
- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (HIV/AIDS, giang mai, mụn rộp, bệnh lậu) để bác sĩ đưa ra phác đồ trị hiệu quả.
Cách phòng nhiễm bệnh từ vi khuẩn Chlamydia trachomatis
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh từ vi khuẩn Chlamydia trachomatis như sau:
- Sử dụng bao cao sau khi quan hệ tình dục: Bao cao su được sử dụng đúng cách giảm nguy cơ nhiễm Chlamydia trachomatis và các bệnh khác lây qua đường tình dục.
- Khám sàng lọc thường xuyên: Nếu đã phát sinh quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục không an toàn nên kiểm sức khỏe phụ khoa định kỳ.
- Tránh thụt rửa: Thụt rửa sâu âm đạo sẽ làm giảm số lượng lợi khuẩn và tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Chung thủy với bạn tình: Quan hệ tình dục với nhiều người làm tăng nguy cơ mắc bệnh Chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Khi nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis giai đoạn đầu bệnh nhân thường không có triệu chứng đáng chú ý, nhưng đến giai đoạn bùng phát dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, ngay khi phát hiện cơ quan sinh dục có dấu hiệu bất thường, hoặc mắt mẩn đỏ, tiết dịch cần đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để kịp thời chẩn đoán và có phác đồ điều trị hiệu quả.