Viêm bờ mi dưới mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa


Viêm bờ mi mắt ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người trên thế giới [1]. Viêm bờ mi mắt gồm có viêm bờ mi dưới mắt, viêm bờ mi mí trên… vẫn chưa có phương thức điều trị dứt điểm, có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Vậy viêm bờ mi dưới mắt có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa viêm bờ mi dưới mắt.

viêm bờ mi mắt dưới

Viêm bờ mi dưới là gì?

Viêm bờ mi dưới là tình trạng viêm mí mắt dọc theo cạnh dưới của mí. Bệnh này thường xảy ra khi các tuyến dầu nhỏ gần gốc lông mi bị tắc, làm cho mắt kích ứng và mẩn đỏ. Tuy không phải là bệnh truyền nhiễm và không để lại thương tổn vĩnh viễn cho mắt nhưng khó điều trị dứt điểm. Mắt người bệnh bị kích thích liên tục, đỏ, rát… cản trở các hoạt động hàng ngày.

Nguyên nhân viêm bờ mi mắt dưới

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm bờ mi mắt dưới.

1. Nhiễm trùng

Là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm nhiễm, khiến cho phần mí mắt sưng tấy, dẫn đến việc lông mi có thể chọc vào mắt, gây tổn thương giác mạc.

2. Tuyến dầu bị tắc

Tuyến dầu nằm ở phía chân của lông mi, vì vậy khi chúng bị tắc sẽ khiến cho mắt khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công mi mắt, làm mắt viêm nhiễm.

3. Dị ứng

Các thành phần trong mỹ phẩm hoặc thuốc cũng rất dễ gây ra tình trạng dị ứng. Mắt khi bị kích ứng sẽ dễ viêm bờ mi mắt dưới. Ngoài ra có một số người dị ứng dung dịch kính áp tròng hoặc thuốc nhỏ mắt cũng có thể gây kích ứng cho mắt.

4. Lông mi hoặc chí

Các bệnh về mắt như ve lông mi hoặc bệnh trứng cá đỏ ở mắt cũng rất dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm. 30% những người bị viêm bờ mi mạn tính có ve Demodex, chúng chặn các nang và tuyến lông mi trong mắt, gây ra viêm bờ mi mắt dưới.

5. Khô mắt

Viêm kết giác mạc khô cũng là 1 trong số những nguyên nhân gây ra viêm bờ mi mắt dưới. Khô mắt có thể làm thay đổi sức đề kháng, vi khuẩn sẽ dễ xâm nhập hơn dẫn đến nhiễm trùng mắt. Do mắt bị thiếu độ ẩm dẫn đến vùng da quanh mắt bị ngứa, khô, đau rát, dễ kích ứng và dẫn đến chứng sợ ánh sáng.

Nguyên nhân viêm bờ mi mắt dưới
Viêm kết giác mạc khô làm cho mắt nhức mỏi, sợ ánh sáng

6. Gàu da đầu

Những người bị gàu có nhiều khả năng bị viêm bờ mi hơn do gàu bong ra có thể kích ứng mí mắt và gây viêm. Vì vậy, việc chữa trị và kiểm soát gàu có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm bờ mi mắt dưới.

7. Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã ở mí mắt có xu hướng ảnh hưởng đến viền mí mắt và thường gặp ở người lớn. Vùng da này rất mỏng và nhạy cảm, chính vì vậy khi bị viêm da tiết bã thì mí mắt cũng dễ bị ngứa, viêm và khô. Việc mắt bị kích ứng dễ dàng xảy ra ở mọi lứa tuổi khác nhau.

Triệu chứng viêm bờ mi mắt

Gồm có 2 loại viêm bờ mi mắt. Người bệnh có thể mắc 1 loại viêm bờ mi hoặc có thể mắc cả 2 loại cùng lúc [2]:

  • Viêm bờ mi trước: Nằm bên ngoài mí mắt (phần tiếp xúc trực tiếp với lông mi) và bắt nguồn từ vi khuẩn trên da hoặc gàu từ da đầu hoặc lông mày. Hiếm có trường hợp dị ứng hoặc ve (ký sinh trùng nhỏ) cũng có thể gây viêm bờ mi trước.
  • Viêm bờ mi sau: Nằm bên trong mí mắt (phần tiếp xúc trực tiếp với mắt), xảy ra khi các tuyến dầu trong mí mắt bị tắc. Các bệnh lý về da phổ biến như bệnh hồng ban và gàu da đầu cũng có thể gây viêm bờ mi dưới.

Sau đây là các dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn đang bị viêm bờ mi mắt dưới:

  • Chảy nước mắt
  • Cảm giác cộm, nóng
  • Nhờn ở mí mắt
  • Đau, ngứa mí mắt
  • Mí mắt đỏ, sưng
  • Bong da vùng quanh mắt và quanh gốc lông mi tương tự như gàu
  • Dính mí mắt sau khi ngủ dậy
  • Nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng)
  • Mờ mắt
Triệu chứng viêm bờ mi mắt
Viêm bờ mí mắt dưới có thể gây ra suy giảm thị lực tạm thời.

Các triệu chứng thường xảy ra rõ rệt hơn vào buổi sáng. Tuy viêm bờ mi không đe dọa đến thị lực nhưng có thể dẫn đến việc suy giảm thị lực tạm thời.

Các triệu chứng của viêm bờ mi mạn tính có xu hướng tái phát theo từng giai đoạn. Sau thời gian phát triển bệnh sẽ đến giai đoạn thuyên giảm (tạm dừng) sau đó là các đợt trầm trọng hơn (bùng phát) và bệnh này có khả năng ảnh hưởng đến cả hai mắt như nhau. Cũng có trường hợp người bệnh bị các bệnh khác cùng viêm bờ mi chẳng hạn như bệnh vảy nến và viêm da tiết bã.

Biến chứng viêm bờ mi mắt ở dưới

Viêm bờ mi tuy không phải là bệnh nguy hiểm đe dọa đến mạng sống, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ tái phát, ảnh hưởng suốt đời đến cuộc sống người bệnh.

1. Rụng lông mi

Viêm bờ mi dưới có thể khiến lông mi bị rụng, mọc bất thường (lông mi mọc lệch) hoặc mất màu.

2. Sẹo mắt

Tình trạng viêm bờ mi dưới diễn ra quá lâu có thể để lại sẹo. Phần viền mí mắt có thể quay vào trong hoặc quay ra ngoài gây mất thẩm mỹ.

3. Lẹo mắt

Lẹo là một căn bệnh do viêm nhiễm thường xuất hiện gần gốc lông mi hoặc trên bề mặt của mí mắt, hình thành u nhú, làm cho mắt đau nhói khó chịu. Mụn lẹo hình thành khi một tuyến dầu nhỏ gần lông mi bị tắc và bị nhiễm trùng. Lẹo mắt thường xảy ra khá phổ biến và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị bới các bác sĩ chuyên khoa.

4. Chắp mắt

Chắp xảy ra khi có sự tắc nghẽn ở một trong những tuyến dầu nhỏ ở rìa mí mắt nằm ngay sau lông mi. Sự tắc nghẽn này gây ra tình trạng viêm lộ tuyến khiến mí mắt sưng và đỏ tấy. Mặc dù vậy nhưng các vết chắp thường cứng và không đau.

Chắp thường bắt đầu bằng một vùng rất nhỏ, đỏ, mềm, sưng tấy trên mí mắt và thường không phải là nhiễm trùng. Sau vài ngày chúng chuyển thành cục u không đau, phát triển chậm có kích thước bằng hạt đậu và thường có thể bị nhầm lẫn với lẹo mắt (là tình trạng nhiễm trùng tuyến dầu ở mí mắt). Lẹo mắt tạo ra một cục màu đỏ, sưng, đau ở rìa hoặc bên trong mí mắt và thường xảy ra gần bề mặt của mí mắt hơn là chắp mắt.

Tuy nhiên nếu không được điều trị, lẹo mắt có thể dẫn đến hình thành chắp mắt. Tuyệt đối không cố gắng bóp hoặc làm chảy dịch ở cục u này vì nó có thể vi khuẩn có thể chảy ra làm nhiễm trùng mắt, vì vậy khi gặp chắp mắt người bệnh cần được tư vấn điều trị để vết thương có thể lành đúng cách.

5. Viêm kết mạc

Viêm bờ mi có thể dẫn đến các cơn đau mắt đỏ tái phát (hay còn gọi là viêm kết mạc). Viêm kết mạc thường do nhiễm trùng, dị ứng hoặc kích ứng. Các triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc, tiết dịch mắt, ngứa gây khó chịu cho người bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh bôi ngoài da, thuốc kháng histamine, thuốc ổn định tế bào mast và corticosteroid.

6. Nhiễm trùng giác mạc

Kích ứng liên tục do mí mắt bị viêm hoặc lông mi mọc lệch có thể gây ra vết loét trên giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc.

Nhiễm trùng giác mạc là một khiếm khuyết biểu mô giác mạc do viêm nhiễm tiềm ẩn thường do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc Acanthamoeba. Nếu tình trạng viêm không được kiểm soát và điều trị đúng thời điểm có thể dẫn đến hoại tử giác mạc. Các triệu chứng bao gồm đỏ kết mạc, cảm giác có dị vật trong mắt, đau nhức, sợ ánh sáng và chảy nước mắt.

Có thể điều trị khẩn cấp bằng thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da và thuốc nhỏ mắt cho người bệnh, sau đó cần đưa người bệnh đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được tư vấn và chữa trị kịp thời.

Chẩn đoán viêm bờ mi mắt dưới

Tìm hiểu về tiền sử người bệnh, xem xét triệu chứng và kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại là những bước đầu tiên các bác sĩ thường sử dụng để bắt đầu chẩn đoán tình trạng viêm bờ mi dưới và xác định loại viêm nhiễm mà bạn gặp phải [3]:

  • Hỏi tiền sử sức khỏe: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tình trạng sức khỏe khác để xác định các yếu tố rủi ro gây bệnh.
  • Kiểm tra bên ngoài: Dựa vào hình dạng của mí mắt và mức sưng tấy, sắc đỏ và lượng tiết dịch sẽ xác định loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm nhiễm.
  • Lấy mẫu dịch tiết: Kết quả phân tích dịch tiết mí mắt có thể giúp xác định tỷ lệ các thành phần bên trong như là loại vi khuẩn nào có mặt và với số lượng bao nhiêu, từ đó đưa ra chẩn đoán phù hợp.
  • Xét nghiệm nước mắt: Lấy mẫu nước mắt để phân tích chuyên sâu giúp làm rõ căn nguyên xem khô mắt có phải là một yếu tố góp phần làm viêm hay không.
  • Kiểm tra lông mi: Việc soi lông mi dưới kính hiển vi có thể phát hiện ra bọ ve.
  • Thực hiện sinh thiết mí mắt: Rất hiếm khi người bệnh được yêu cầu xét nghiệm sinh thiết, chỉ những trường hợp đặc biệt khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị ung thư da hoặc trong quá trình thăm khám phát hiện các tế bào bất thường. Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ cho mắt, sau đó dùng kim gắp tế bào ra để kiểm tra bằng kính hiển vi. Việc này có thể để lại hậu quả là mắt bị bầm tím, tuy nhiên sẽ không để lại sẹo.
chẩn đoán viêm bờ mi mắt dưới
Xét nghiệm nước mắt giúp kiểm tra và chẩn đoán tình trạng của mắt

Cách điều trị viêm bờ mi mắt dưới

1. Vệ sinh mí mắt

Việc vệ sinh mắt khi bị viêm bờ mi mắt dưới là cực kỳ quan trọng. Giữ gìn mắt sạch giúp hạn chế dịch tiết bẩn hoặc mủ gây bệnh, tránh cho vi khuẩn xâm nhập làm mắt bị nhiễm trùng nặng hơn. Có thể vệ sinh mắt trực tiếp hay gián tiếp bằng cách dùng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh mắt hoặc thấm nước muối vào gạc và đắp lên mắt. Dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mắt từ 3-5 lần một ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Trường hợp dịch mủ ở lông mi quá đặc dính vào mắt, hãy thấm nước ấm vào miếng gạc để làm mềm cho lớp cặn bã và mủ bong tróc ra.

2. Thuốc mỡ kháng sinh

Thuốc mỡ kháng sinh Bacitracin thường được bác sĩ kê đơn vì có tác dụng kháng viêm và chống nhiễm trùng. Thuốc giúp ngăn sự phát triển của vi khuẩn và chặn đứng nhiễm trùng.

Tuy nhiên thuốc không có hiệu quả điều trị nhiễm trùng do virus hay nấm gây ra.

Thêm vào đó việc sử dụng thuốc không đúng cách hay quá liều đều có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Vì vậy người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

3. Thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt Erythromycin được dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn do các vi khuẩn gây ra ở đường hô hấp, tai, răng miệng, các mô mềm, tiết niệu, da, mắt và đường tiêu hóa. Thuốc có thể có các tác dụng khác, vì vậy chỉ sử dụng thuốc này để điều trị bệnh khi có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc nhỏ mắt Azithromycin 1% thuộc nhóm kháng sinh macrolid, vì vậy có tác dụng ngăn chặn sự bùng phát của vi khuẩn và được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, thuốc sẽ không hoạt động hiệu quả đối với các bệnh do virus gây ra. Chỉ sử dụng thuốc để điều trị bệnh khi có chỉ định của bác sĩ.

Cách phòng ngừa viêm bờ mí mắt dưới

Giữ cho mí mắt luôn sạch sẽ là điều kiện tiên quyết để giúp ngừa bệnh viêm bờ mi dưới phát triển. Mục đích của việc này không chỉ là hạn chế những kích ứng xảy ra tại đây mà còn để ngăn tắc nghẽn tuyến bã nhờn mí mắt và loại bỏ bã nhờn dư thừa hoặc vảy da chết.

1. Tẩy trang kỹ

Nên tránh sử dụng các loại mỹ phẩm như chuốt lông mi, chì kẻ mắt và các loại mỹ phẩm trang điểm quanh vùng mắt cho đến khi các triệu chứng viêm chấm dứt hẳn. Bệnh viêm bờ mi dưới hoàn toàn có thể tái phát ngay cả khi điều trị thành công; vì vậy hãy duy trì thói quen vệ sinh bờ mi mỗi ngày, đặc biệt những ngày có trang điểm cần vệ sinh bờ mi kỹ càng hơn đề phòng bệnh tái phát.

Tẩy trang vùng mắt cẩn thận, không để mỹ phẩm rơi vào mắt. Không kẻ mắt sát chân mí. Hạn chế trang điểm trong quá trình điều trị để không gây kích ứng và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Sau khi điều trị thành công, tất cả các sản phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm liên quan đến mí mắt cũng nên được thay thế để giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm trùng.

2. Vệ sinh tay, mặt và da đầu

Rửa mắt ít nhất 2 lần/ngày, kể cả sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Hãy gội đầu kỹ bằng dầu gội kháng khuẩn. Có thể kết hợp một số loại thuốc xịt khử trùng sử dụng trên da để ngăn chặn tình trạng vi khuẩn phát triển nhiều.

3. Hạn chế chạm tay vào mắt

Hạn chế dụi mắt khi ngứa. Tránh chạm tay vào mắt, đặc biệt khi chưa rửa tay. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là giữ cho mắt luôn sạch sẽ. Cẩn thận rửa sạch mí mắt và lông mi với nước lạnh, đồng thời dùng khăn sạch để lau khô mắt. Luôn giữ cho tay và mặt sạch sẽ sẽ giúp ta đảm bảo rằng mắt không tiếp xúc với bụi bẩn hoặc các chất gây ô nhiễm khác.

3. Dùng thuốc nhỏ mắt

Trong quá trình điều trị viêm bờ mi dưới, việc tham khảo và sử dụng nước mắt nhân tạo sẽ đem đến hiệu quả tối ưu hơn. Các loại nước mắt nhân tạo được chứng minh có tác dụng làm thuyên giảm các triệu chứng khô mắt thường có nồng độ natri hyaluronate 0,18%. Nước mắt nhân tạo không chất bảo quản sẽ tốt hơn đối với bệnh viêm bờ mi mạn tính. Tuy nhiên, người bệnh tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi tiến hành sử dụng.

phòng ngừa viêm bờ mí mắt dưới
Bác sĩ chuyên khoa Mắt đang khám và chẩn đoán tình trạng cho người bệnh

4. Hạn chế kính áp tròng

Viêm bờ mi dưới có xu hướng trở nặng trong thời tiết gió lạnh, môi trường sử dụng máy lạnh, máy tính kéo dài, thiếu ngủ, đeo kính áp tròng, các bệnh về da như viêm da tiết bã, trứng cá đỏ biểu hiện ở mắt,…Đeo kính áp tròng ảnh hưởng đến sự luân chuyển và trao đổi của màng nước mắt giữa thủy tinh thể và bề mặt giác mạc, đặc biệt là kính áp tròng mềm vì chúng có tỷ lệ ngậm nước nhất định nên dễ ảnh hưởng đến màng nước mắt. [4]

Việc đeo kính áp tròng lâu ngày sẽ gây khô mắt và xuất hiện các triệu chứng như cảm giác bỏng rát, có dị vật, chói mắt và chảy nước mắt. Lời khuyên cho những người sử dụng kính áp tròng chính là nên nhỏ thêm nước mắt nhân tạo đã được bác sĩ nhãn khoa kiểm tra và nên chọn loại thuốc phù hợp tùy theo loại kính áp tròng bạn đang sử dụng.

Khi mắt bắt đầu xuất hiện tình trạng khô mắt nhẹ thì cần chuyển sang sử dụng kính áp tròng làm bằng chất liệu khác (ví dụ như kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng mềm ít ngậm nước), giảm thiểu thời gian đeo kính và bổ sung nước mắt nhân tạo.

Bệnh viêm bờ mi mắt dưới không phải là một căn bệnh chết người, tuy nhiên đây lại là một căn bệnh mạn tính. Ngay cả khi điều trị thành công, người bệnh vẫn cần chú ý vệ sinh mắt hàng ngày bằng cách tẩy tế bào chết cho mí mắt vì căn bệnh này hoàn toàn có thể quay lại và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Mặc dù có một số phương pháp điều trị tại nhà nhưng người bệnh nên chủ động đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín để tránh các biến chứng như: viêm kết mạc, chắp mắt, lẹo mắt, lông mi mọc ngược, viêm giác mạc,…

Tuy viêm bờ mi dưới mắt không khó điều trị nhưng lại cực dễ tái phát, chủ yếu do thói quen nếp sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, giải pháp chữa trị hiệu quả và lâu dài nhất đó chính là duy trì lối sống lành mạnh, vệ sinh mắt và cơ thể sạch sẽ hàng ngày.

Related Posts

vô sinh có di truyền không

Vô sinh có di truyền không? Chuyên gia giải đáp chi tiết A-Z

Câu hỏi mà các bác sĩ tư vấn hỗ trợ sinh sản thường gặp nhất là vô sinh có di truyền không. Thực tế có nhiều nguyên…

TS.BS ĐẶNG THỊ NGỌC BÍCH

Giun móc là gì? Đặc điểm hình thể, ấu trùng trứng phát triển như thế nào?

Ước tính có khoảng 576 tới 740 triệu người trên thế giới bị nhiễm giun móc. Hậu quả nghiêm trọng nhất bệnh giun móc gây ra thiếu…

BS TRẦN VƯƠNG THẢO NGHI

10 thói quen có nguy cơ gây ung thư, đừng chủ quan

Bên cạnh yếu tố di truyền, một số thói quen xấu như ăn uống không lành mạnh, uống rượu bia, lười vận động… làm tăng 30-50% nguy…

mang thai ngoài ý muốn

Mang thai ngoài ý muốn nên làm gì? Hướng dẫn cách xử lý

Mang thai ngoài ý muốn chỉ những tình huống mang thai không mong muốn, chẳng hạn như mang thai không đúng lúc, mang thai quá sớm hoặc…

Sỏi bùn túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Sỏi bùn túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Sỏi bùn túi mật không phải là vấn đề thường gặp nhưng có nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và…

trễ kinh bao lâu thì thử que

Trễ kinh bao lâu thì thử que để cho kết quả chính xác nhất?

Bên cạnh những triệu chứng khác, trễ kinh là một trong những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu việc mang thai. Nhiều chị em thắc mắc trễ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *